Công nghệ viễn thám phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; ông Antoine MONSAINGEON – Phó Chủ tịch Tập đoàn CLS; Bà Laure GRAZI – Phó Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Bà Madhu RAGHUNATH – Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước có cùng chuyên môn và mối quan tâm về công nghệ vũ trụ.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của KH&CN, công nghệ viễn thám trên thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc, cả về khoa học kỹ thuật và ứng dụng. Nhiều quốc gia trên thế giới đang sở hữu các công nghệ tiên tiến trong ứng dụng công nghệ viễn thám, trong đó Cơ quan Hàng không Vũ trụ Pháp là một trong những tổ chức có nhiều thành tựu mới về phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng. Việc tổ chức Hội thảo này sẽ tạo cơ hội cho các tổ chức KH&CN, các chuyên gia trong nước có thể trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ứng dụng mới của viễn thám với các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến từ Hoa Kỳ, Pháp. Từ đó, có tiềm năng mở ra các cơ hội hợp tác giữa các bên.
Với mục tiêu phát triển KH&CN gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020, Bộ KH&CN đã và đang có nhiều nỗ lực trong đổi mới quản lý KH&CN, trong đó hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm chia sẻ kết quả, kinh nghiệm nghiên cứu và hội nhập quốc tế hướng tới phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Vũ trụ đến năm 2020 của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006, trong đó ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam hiện đang có vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 được đưa lên quỹ đạo ngày 07/5/2013 và theo lộ trình phát triển, dự kiến sẽ có vệ tinh LOTUSat-1 vào năm 2019 và LOTUSat-2 vào năm 2022. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và một số cơ sở dữ liệu viễn thám chuyên ngành đã và đang được xây dựng. Do đó, những điều kiện về hạ tầng này sẽ hình thành nền tảng quan trọng trong việc hợp tác, chia sẻ với các đối tác quốc tế trong việc ứng dụng công nghệ viễn thám – đặc biệt là các ứng dụng trên đất liền, Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng mong rằng, tại Hội thảo này, tất cả các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước phát huy tối đa trí tuệ, cùng thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám để từ đó nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác hướng đến những lợi ích lâu dài, bền vững cho phát triển kinh tế xã hội của tất cả các bên.
Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung đề cập đến việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam; CLS và các ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường; Ứng dụng công nghệ viễn thám trong hoạt động quản lý, quy hoạch bền vững nguồn nước: Kết quả và nhu cầu của ngành thủy lợi; Planet – Vì một nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững; Giám sát các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng bằng công nghệ viễn thám; Giải pháp tích hợp cho công tác quản lý thủy lợi tại lưu vực sông Hồng; Quản lý rủi ro và môi trường vùng duyên hải; Ứng dụng viễn thám trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp phục vụ cho công tác quản lý nông – lâm nghiệp, đất đai và các rủi ro liên quan đến nước; Giám sát sản xuất lúa – ứng dụng công nghệ Viễn thám tại Việt Nam; Công nghệ InSAR phục vụ giám sát biến động mặt đất….
Theo ông Đào Ngọc Chiến – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao- Bộ KH&CN, Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã tạo nền tảng quan trọng cho phát triển công nghệ viễn thám tại Việt Nam. Nhiều thành tựu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám đã đạt được trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Cụ thể, trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường đã kết hợp công nghệ GIS và phương pháp AHP-IDM đưa ra bản đồ nguy cơ sạt lở đường bờ; xây dựng được bản đồ nguy cơ ngập úng; xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu;… Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, điều tra tài nguyên, đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; theo dõi sản lượng lúa, tiến độ thu hoạch; theo dõi, quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước;… Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo được một số mô-đun cho thiết bị trạm mặt đất, vệ tinh siêu nhỏ…
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng theo các đại biểu, cũng còn nhiều thách thức, khó khăn trong lĩnh vực này như đầu tư cho ứng dụng viễn thám chưa đầy đủ; thiếu đội ngũ chuyên gia về viễn thám; khung pháp luật về vũ trụ chưa hoàn thiện; chưa có chính sách khuyến khích tư nhân tham gia phát triển ứng dụng công nghệ viễn thám;…
Các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn của Việt Nam, đặc biệt là các hướng hợp tác trong thời gian tới. Theo đó, giải pháp công nghệ tích hợp cho công tác quản lý thủy lợi tại lưu vực sông Hồng được đề xuất gồm công nghệ vệ tinh, đo đạc tại chỗ và mô hình số; giám sát các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng bằng công nghệ LIDAR kết hợp ảnh kỹ thuật số;…
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký Biên bản Ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Công ty PLANET. Mục tiêu nhằm xây dựng một chương trình trao đổi và hỗ trợ, giúp chính quyền các cấp, các nhà khoa học và người sử dụng tại Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau có thể tiếp cận các công nghệ vũ trụ mới nhất trên thế giới. Cụ thể, PLANET sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam quyền truy cập vào dữ liệu hình ảnh quang học của PLANET thông qua 3 tài khoản truy cập khác nhau, mỗi tài khoản gồm 10 vị trí, trong thời gian hỗ trợ là 30 ngày cho mỗi tài khoản. Dịch vụ khai thác hỗ trợ miễn phí này tương ứng với giá trị khoảng 450.000 USD. PLANET cũng sẽ tổ chức một khóa đào tạo về sử dụng nền tảng của PLANET/API cho người sử dụng cuối của Chính phủ Việt Nam và trong thời gian 30 ngày hỗ trợ khai thác miễn phí, PLANET cũng sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến.
(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN)