Seminar về vệ tinh Radarsat 2 của Tiến sỹ Yves Crevier, Cơ quan vũ trụ Canada
Seminar về vệ tinh Radarsat 2 của Tiến sỹ Yves Crevier, Cơ quan vũ trụ Canada
Sáng ngày 16/6/2015, Tiến sỹ Yves Crevier, chuyên gia về Radar của Cơ quan Vũ trụ Canada (CASA) sang thăm Việt Nam và trình bày chuyên đề về hệ thống Radarsat 2 của Canada và các ứng dụng.
TS Crevier là đại diện của Canada trong Chương trình theo dõi diện phân bố lúa ở Châu Á Asia Rice do NASA và JAXA chủ trì. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) là tổ hợp công trình nghiên cứu không gian được thực hiện với sự hợp tác của 5 cơ quan gồm NASA (Mỹ), Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (RKA), Cơ quan Hàng không và Nghiên cứu vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) và Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).
Tại buổi làm việc, PGS. TS. Phạm Văn Cự đại diện cho Trung tâm FIMO đã mời các cán bộ nghiên cứu địa lý, viễn thám, khoa học vũ trụ đến tham dự, học tập và tiếp đón TS. Crevier thân mật với vai trò là đồng nghiệp cùng tham dự các dự án về viễn thám Radar từ cuối những năm 1990.
Sau đó, TS. Crevier đã trình bầy giới thiệu về ý nghĩa khoa học, thực tiễn của dự án phóng vệ tinh RADARSAT bắt đầu từ vệ tinh RADARSAT-1 năm 1995. Ưu điểm chính của vệ tinh có cảm biến Radar đó là vệ tinh có thể thu thập được ảnh dữ liệu của Trái Đất trong mọi điều kiện ban ngày hoặc buổi tối, dưới mọi điều kiện thời tiết mây, khói hay bụi do có số lượng băng phổ rộng và chi tiết. Mục đích chính là để quản lý và cảnh báo thiên tai, nông nghiệp, theo dõi biến đổi đại hình đất đai, thủy văn, rừng, đại dương và giám sát các bờ biển.
RADARSAT-1 mang theo cảm biến tiên tiến C-band (5.6 cm), HH-polarized SAR. Kích cỡ ảnh thu được về độ rộng từ 50 tới 500 km và độ phân giải ảnh cao từ 8 – 100 met. RADARSAT-1 cho phép xem được cả các bản đồ địa hình với góc nghiêng từ 20 độ tới 50 độ với độ phân giải thời gian lặp lại sau 24 ngày.
Cùng với vệ tinh RadarSat-2 được phóng năm 2007 với cảm biến C-band (5.405 cm), HH-, HV-, and VV-polarized SAR, độ rộng vùng chụp từ 20 km (Ultra-Fine) tới 500 km (ScanSAR Wide) và độ phân giải ảnh cao từ 3 tới 100 met. Dự án RadarSat Constellation dự kiến phóng năm 2018, TS. Crevier khẳng định với dự án RadarSat với 3 vệ tinh Radar bay xung quanh Trái Đất tới 95% diện tích bề mặt Trái Đất trong 1 ngày cho các đối tượng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tham gia vào các dự án của CSA tài trợ.
Kết thúc buổi thảo luận, PGS. TS. Phạm Văn Cự đã tóm tắt các kết quả, ý nghĩa đạt được của công trình khoa học, nghiên cứu vũ trụ của Cơ quan Hàng Không NASA CSA và đóng góp của vệ tinh khoa học Trái Đất RADARSAT-1, 2 trong quá khứ và trong tương lai. Thay mặt Trung tâm FIMO, PGS. TS. Phạm Văn Cự gửi lời cám ơn, chúc sức khỏe tới TS. Crevier đã dành thời gian đến Việt Nam và có buổi giới thiệu, trình bầy rất ý nghĩa này. TS. Crevier rất cám ơn trước sự tham gia, đóng góp của PGS. TS. Phạm Văn Cự, Trung tâm FIMO cùng các cán bộ, nhà khoa học, nghiên cứu đến tham dự và hy vọng sẽ có thể chia sẻ thêm các kinh nghiệm, kiến thức về vệ tinh trong thời gian tới qua các dự án hợp tác với Việt Nam.
Phạm Hữu Bằng – Nghiên cứu viên Trung tâm FIMO