Chính phủ Hoa Kỳ xem xét thu phí đối với dữ liệu quan sát Trái đất phổ biến
Chính phủ Mỹ đang cân nhắc xem liệu có tính phí truy cập vào hai nguồn hình ảnh viễn thám được sử dụng rộng rãi hiện nay là ảnh Landsat do USGS (US Geological Survey) điều hành và một chương trình khảo sát trên không do Bộ Nông nghiệp (USDA) điều hành.
Các quan chức tại Bộ Nội vụ, cơ quan giám sát USGS, đã yêu cầu một ủy ban tư vấn liên bang tìm hiểu ảnh hưởng của việc áp giá lên dữ liệu Landsat đối với các nhà nghiên cứu và người dùng khác. Phân tích này dự kiến kết thúc vào nửa sau 2018. Bên cạnh đó, USDA đang dự tính một kế hoạch áp phí cho dữ liệu của họ vào đầu năm 2019.
Một số nhà khoa học làm việc với các dữ liệu này lo sợ rằng những thay đổi trong tiếp cận dữ liệu có thể làm giảm một loạt các nghiên cứu về môi trường , bảo tồn, nông nghiệp và y tế công cộng. “Nó sẽ chỉ là một trở ngại lớn”, Thomas Loveland, một nhà khoa học viễn thám gần đây đã nghỉ hưu từ USGS ở Sioux Falls, Nam Dakota cho biết.
Chương trình Landsat bắt đầu với một vệ tinh vào năm 1972 và đã phóng 7 vệ tinh. Đây là bộ dữ liệu ảnh vệ tinh dài nhất thế giới và đã ghi lại thay đổi toàn cầu trong hàng thập kỷ. Cặp vệ tinh hiện tại chụp ảnh ở độ phân giải 30m khoảng 8 ngày một lần.
Cho đến năm 2008, các nhà nghiên cứu vẫn phải mua ảnh Landsat – và họ thường thiết kế các nghiên cứu để giảm chi phí mua dữ liệu. Kể từ khi USGS miễn phí dữ liệu Landsat, tốc độ tải dữ liệu của người dùng đã tăng gấp 100 lần. Những ảnh này đã thúc đẩy các nghiên cứu đột phá về thay đổi rừng , nước mặt, đô thị, và nhiều chủ đề khác. Tìm kiếm trên Google Scholar với từ khóa “Landsat” có kết quả với khoảng 100.000 bài báo được xuất bản từ năm 2008.
Một cuộc khảo sát với người sử dụng Landsat thực hiện vào năm 2013 cho thấy việc phân phối miễn phí ảnh Landsat giúp tạo ra hơn 2 tỷ USD lợi ích kinh tế hàng năm, làm giảm ngân sách hàng năm khoảng 80 triệu USD. Hơn một nửa trong số gần 13.500 người trả lời khảo sát là các học giả, và đa số sống ở ngoài Hoa Kỳ.
Vào tháng Bảy năm 2017, các quan chức tại Bộ Nội vụ đã yêu cầu một ủy ban cố vấn bên ngoài nghiên cứu xem liệu chi phí của Landsat có thể được thu hồi từ người dùng hay không. “Đó là một cuộc thảo luận nghiêm túc”, theo Rebecca Moore, giám đốc kỹ thuật tại Google Earth Engine, nơi lưu trữ một bản sao cập nhật liên tục toàn bộ ảnh Landsat.
Lần cuối cùng ủy ban cố vấn liên bang kiểm tra xem có nên thu hồi phí cho dữ liệu Landsat hay không là vào năm 2012, và đã kết luận rằng “lợi ích của Landsat vượt xa chi phí của nó”. Việc thu phí dữ liệu vệ tinh là lãng phí tiền bạc, bóp nghẹt khoa học và đổi mới, và cản trở khả năng giám sát an ninh quốc gia của chính phủ.
Sau đó là Chương trình hình ảnh nông nghiệp quốc gia của USDA. Từ năm 2003, hãng đã thuê các công ty đi thu thập hình ảnh bề mặt Trái Đất bằng máy bay, với mục tiêu bao phủ toàn bộ nước Mỹ ít nhất ba năm một lần. Các hình ảnh này có độ phân giải 1 mét, cho phép các nhà khoa học phát hiện cây cối và các công trình riêng lẻ.
Không có lựa chọn thay thế hoàn hảo cho ảnh Landsat hoặc chương trình của USDA. Các công ty như Planet và DigitalGlobe thu thập hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao và cung cấp cho các nhà khoa học quyền truy cập miễn phí vào một số dữ liệu của họ, nhưng không phải tất cả. Việc mua ảnh thương mại cho các khu vực rộng lớn hoặc trong thời gian dài có thể tốn hàng chục nghìn đô la, quá đắt đối với nhiều nhà nghiên cứu.
Và mặc dù vệ tinh Sentinel-2 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu hiện cung cấp ảnh miễn phí trên toàn cầu và được cập nhật 5 ngày một lần ở độ phân giải lên đến 10 mét, chúng cũng không thể thay thế cho 46 năm chụp ảnh của Landsat, theo Martin Herold, một chuyên gia viễn thám tại Đại học Wageningen ở Hà Lan.
Việc tiếp cận dữ liệu trong một thời gian dài như vậy là rất quan trọng để nghiên cứu những thứ như hệ sinh thái, đất nông nghiệp, các vùng nước và theo dõi xem các thành phố đã thay đổi theo thời gian như thế nào .
Nguồn: US government considers charging for popular Earth-observing data