Tiếp đón Giáo sư Stephane Jacquemoud (Trường Đại học Paris 7, Pháp) sang thăm và hợp tác với Trung tâm FIMO
Ngày 23/4/2015, Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (Đại học Công Nghệ) đã hân hạnh được đón tiếp GS. Stephane Jacquemoud, Trường Đại học Paris 7, Pháp và Viện sĩ Viện Vật lý Địa Cầu Paris (IPGP).
GS. Stephane Jacquemoud là một chuyên gia hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu, dữ liệu môi trường, thực vật dựa trên ảnh vệ tinh viễn thám siêu phổ. Hiện nay, ảnh viễn thám siêu phổ (hyperspectral), có hơn 100 băng tần đang hứa hẹn rất nhiều tiềm năng nghiên cứu. Do số băng tần nhiều hơn, ảnh viễn thám siêu phổ cho phép giải đoán những yếu tố hết sức chi tiết mà trên ảnh viễn thám truyền thống không thể nhận biết được, ví dụ các loại đất, các khoáng bật, các loại thực vật khác nhau.
Tại buổi hợp tác, làm việc, về phía Trung tâm FIMO vinh dự được đón tiếp GS. Stephane Jacquemoud, gồm có: PGS.TS Phạm Văn Cự – Chuyên gia về vệ tinh viễn thám, GIS, địa lý, địa cầu, PGS.TS Nguyễn Hải Châu – Chuyên gia về lĩnh vực Hệ thống thông tin, viễn thám, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh (Chủ nhiệm đề tài quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí – Đại học Quốc Gia Hà Nội, chuyên gia về phát hiện cảnh báo ô nhiễm không khí dựa trên ảnh viễn thám và dữ liệu quan trắc). TS. Lê Thanh Hà (Chủ nhiệm đề tài phát hiện và cảnh báo cháy rừng – Đại học Quốc Gia Hà Nội, chuyên gia về nhận dạng hình ảnh, xử lý đồ họa và phát hiện cháy rừng trên ảnh viễn thám).
GS. Stephane Jacquemoud đã giới thiệu và trình bầy về Đại học Paris 7, Viện nghiên cứu Vật lý Địa cầu Paris, về các chương trình hợp tác với các đối tác ở Pháp và trên thế giới, các dự án đang thực hiện cũng như các kết quả thành công và hiệu quả của các chương trình này. GS. Stephane Jacquemoud cho biết hiện đang liên kết đào tạo, hợp tác với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) Việt Nam và rất mong muốn có thêm nhiều cơ hội để hợp tác với các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Trung tâm FIMO, Đại học Công Nghệ trong đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực ảnh viễn thám siêu phổ để phục vụ mục đích nghiên cứu môi trường, nông, lâm nghiệp, sinh khối, đa dạng sinh học,…
Về phía Trung tâm FIMO, PGS. TS. Nguyễn Hải Châu đã giới thiệu về các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất và tiềm lực về nhân lực, khoa học công nghệ mà Trung tâm FIMO được Đại học Quốc Gia Hà Nội đầu tư và tin tưởng giao phó. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đạt trình độ cao về học thuật và nghiên cứu lý thuyết cũng như áp dụng trong thực tế về các lĩnh vực: viễn thám, cơ sở dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao, hệ thống hạ tầng thông tin không gian,…Trung tâm FIMO có được sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm, tri thức của các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước như NASA, NOAA, Đại học Chiba, Đại học Kyoto (Nhật Bản), Đại học Maryland (Hoa Kỳ),…
Hiện nay, Trung tâm FIMO có sự tham gia nghiên cứu, làm việc của 4 Nghiên cứu sinh nước ngoài đến từ Nhật Bản, Canada, 5 nghiên cứu sinh Việt Nam, 15 Thạc sĩ, học viên cao học và rất nhiều sinh viên các hệ Khoa học máy tính, Chất lượng cao, Công nghệ thông tin, Địa lý, Viễn thám của Đại học Công Nghệ và Đại học Khoa học tự nhiên. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng và rất cần được thường xuyên trao đổi, học tập với các đối tác hàng đầu trên thế giới để đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi thực tiễn từ các đề tài Khoa học, hợp tác nghiên cứu trong và ngoài nước.
Sau buổi làm việc với GS. Stephane Jacquemoud , PGS.TS Phạm Văn Cự cũng đã trình bầy mong muốn hợp tác thành công và hiệu quả với Đại học Paris 7, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Vật lý Địa cầu Paris trong lĩnh vực nghiên cứu và hợp tác đào tạo đối với các Nghiên cứu sinh, Học viên cao học và Sinh viên được sang Pháp học tập và tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn. GS. Stephane Jacquemoud và Trung tâm FIMO đã đề xuất các kết quả hợp tác này và bước đầu xây dựng các kế hoạch, chiến lược để giúp đỡ, trao đổi hợp tác đào tạo nhóm đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên Trung tâm FIMO nâng cao trình độ nghiên cứu ảnh viễn thám siêu phổ trong thời gian tới.
Phạm Hữu Bằng – Nghiên cứu viên Trung tâm FIMO