Bạn có biết các cơn bão được đặt tên như thế nào không?
Các cơn bão đang chiếm lĩnh các buổi thảo luận toàn cầu hơn bất cứ điều gì trong hai tuần qua. Bão Harvey hai tuần trước đã tàn phá và gây thiệt hại lên đến 23 tỷ USD. Bão Irma đã phá hủy nhà cửa, cây cối, tài sản trên vùng Caribbean và Florida. Bão Jose và Katia hiện được dự báo sẽ trở thành những cơn bão mạnh và đã ảnh hưởng nhiều nhất đến Mexico. Bão Lee đang suy yếu, trong khi bão Maria đang di chuyển về phía bắc sau khi phá huỷ hầu hết Puerto Rico.
Bạn có chú ý đến tên của các cơn bão: Harvey, Irma, Jose, Katie, Lee, Maria? Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao những cơn bão dữ dội, tàn phá tất cả mọi thứ trên đường đi của nó, dẫn đến cái chết, di dời và hủy diệt lại được gọi nhẹ nhàng bằng những âm thanh yêu thương như Harvey, Irma, Jose và Katia?
Nó chắc chắn là một điểm thú vị để suy ngẫm, nhưng đằng sau việc đặt tên là cả một quy ước.
Thứ tự từ A – Z
Hầu hết các cơn bão đều được đặt tên từ A-Z theo danh sách do Trung tâm Bão quốc gia Hoa Kỳ chuẩn bị. Danh sách này bao gồm 21 cái tên cho các cơn bão được chuẩn bị từ bảy năm trước. Điều này có nghĩa, trận bão đầu tiên vào năm 2022 sẽ có tên là Alex và cơn bão thứ 21 – nếu không may xảy đến – sẽ được gọi là Walter.
Nếu toàn bộ danh sách đặt tên đã được sử dụng trong một năm vì nhiều cơn bão liên tiếp, sau đó thay vì lặp lại danh sách từ đầu, các bảng chữ cái Hy Lạp được chọn, với alpha là chữ cái đầu tiên. Tên của cơn bão đặc biệt phá hủy sẽ thường không được sử dụng nữa. Ví dụ Matthew và Otto là những tên cuối cùng được sử dụng sau khi đem đến thiệt hại to lớn vào năm 2016.
Danh mục tên các cơn bão là một vấn đề rất nghiêm trọng và đó là lý do tại sao Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) có quyền phủ quyết về danh mục này.
Còn về cơn bão có tên là ISIS?
Tuy nhiên, vào năm 2015, WMO cấm đặt tên cơn bão là ISIS – nữ thần sinh sản Ai Cập cổ đại và từ viết tắt tên của nhóm khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo Irac và Syria.
Trên thực tế, nếu không bị cấm và một số cơn bão đã được đặt tên là ISIS, nó sẽ tạo ra sự náo loạn và phản đối gay gắt của công chúng vì sự vô cảm quá mức khi so sánh thiên tai với một nhóm giết người điên cuồng, tàn bạo và lạnh lùng máy móc. Nếu vậy, theo một cách nào đó đã cố ý làm bình thường hóa chủ nghĩa khủng bố.
Bão ở khu vực Bắc Thái Bình Dương có một danh pháp phức tạp hơn. Tên bão được lấy từ 14 quốc gia trong khu vực, có thể là của động vật, thực vật, nhân vật thần thoại, hoặc đơn giản là bất cứ thứ gì. Các tên này được ủy ban quản lý bão WMOs tại Tokyo, Nhật Bản xem xét và sau đó được ban hành. Tuy nhiên, các quốc gia không bị bắt buộc sử dụng các tên bão này trong các báo cáo thời tiết của họ.
Vậy khi nào thì quy ước đặt tên bão được bắt đầu?
Các cơn bão bắt đầu được đặt tên vào năm 1950. Tên gọi được ưa chuộng hơn so với các số và mã số bởi trước đây vì rất dễ nhớ và tiện lợi để sử dụng.
Trước khi được đặt tên, các cơn bão thường được xác định dựa trên vị trí vĩ độ và kinh độ. Tuy nhiên, phương pháp này thường có sai số lớn vì vị trí của các cơn bão lớn không bao giờ là cố định.
Đặt tên cho cơn bão và bão lớn không phải lúc nào cũng là lĩnh vực của các nhà khoa học, các nhà khí tượng học và các quan chức. Việc đặt tên này thực tế bắt đầu từ rất sớm. Vào thế kỷ 19, người ta thường gọi tên các cơn bão bằng tên các vị thánh Công giáo.
Còn về tính bình đẳng giới trong việc đặt tên?
Ngày nay, tên của nam giới và nữ giới được xen kẽ trong các cơn bão. Nhưng trong hàng thập kỷ, tên nữ giới được sử dụng áp đảo cho các cơn bão. Trong Thế chiến thứ hai, các thủy thủ Mỹ đã sử dụng tên cơn bão bằng tên bạn gái và vợ của họ. Chính phủ cũng áp dụng truyền thống này để đặt tên cơn bão cho đến những năm 1970. Trong những năm này, chiến dịch vì bình đẳng giới cho rằng cách đặt tên này là phân biệt giới tính. Do vậy, nó đã bị hủy bỏ vào năm 1979. Tuy nhiên, những thái độ cũ và những định kiến về giới vẫn còn tồn tại. Điều này đã được phản ánh trong một tạp chí nghiên cứu năm 2014 đang gây tranh cãi về những cơn bão tên gọi phụ nữ gây chết người hơn vì mọi người thường không coi trọng chúng.
Nguồn: GeoSpatialWorld