Hội thảo chất lượng không khí và cảnh báo cháy rừng tại Việt Nam
Ngày 26/5/2015, Trung tâm FIMO – Đại học Công Nghệ (ĐHCN) – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQG) tổ chức Hội thảo về chất lượng không khí và cảnh báo cháy rừng tại Việt Nam diễn ra tại phòng 212 – E3, trường ĐH Công Nghê. Trung tâm FIMO vinh dự và vui mừng được đón tiếp các lãnh đạo, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của các đơn vị, ban ngành đến tham dự hội thảo.
+ Về phía ĐHQG có: GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐHQG;
PGS.TS Vũ Văn Tích – Trưởng Ban KHCN
TS. Nguyễn Nam Hoàng – Phó trưởng ban Hợp tác và phát triển.
+ Về phía ĐHCN có: GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy – Phó hiệu trưởng ĐHCN.
PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN và hợp tác phát triển, ĐHCN.
+ Về phía Tổng cục môi trường có:
Bà Lê Hoàng Anh – Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường.
+ Về phía Trung tâm quan tâm quan trắc và phân tích môi trường Hà Nội:
Ông Nguyễn Đăng Khôi – Phó Giám đốc.
+ Về phía Viện Hàn Lâm và Khoa học Việt Nam:
TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện Vật lý địa cầu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ đã nhấn mạnh tầm quan trong của công tác đánh giá, cảnh báo về chất lượng không khí và cháy rừng tại Việt Nam cũng như sự thiết thực của hai dự án APOM và FORIS đang thực hiện tại trung tâm FIMO.
Tiếp sau đó, TS. Bùi Quang Hưng – Phó Giám đốc trung tâm FIMO đã có bài giới thiệu ngắn gọn về FIMO. Mạng lưới liên kết giữa FIMO bao gồm các đối tác trong và ngoài nước, được sự cố vấn của các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như địa lý, địa chất, cháy rừng, ô nhiễm không khí,…
Tiếp theo, Bà Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường CEM đã có bài tóm tắt về thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam đề cập đến những bất cập trong công tác quản lý, đo lường nồng độ bụi tại các thành phố lớn và các vùng xung quanh ở Việt Nam. Hiện trạng việc phát triển và quản lý mạng lưới dữ liệu các trạm quan trắc ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi PM gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn nên rất cần một công nghệ có thể cung cấp các dữ liệu ô nhiễm cho toàn vùng lãnh thổ Việt Nam có độ tin cậy cao.
Về phía Trung tâm FIMO, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh đã báo cáo tại hội thảo và đề xuất một giải pháp tổng thể về hệ thống Quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí APOM. Với công nghệ hiện đại sử dụng ảnh vệ tinh sol khí MODIS Terra, MODIS Aqua, Suomi NPP thu được từ trạm thu của ĐHCN, NASA kết hợp dữ liệu trạm quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường CEM cho phép xây dựng mô hình tính toán và ước lượng chỉ số bụi PM cho toàn vùng lãnh thổ Việt Nam, từ đó hệ thống APOM có khả năng cảnh báo theo thời gian thực tới người sử dụng.
Tiếp sau đó, TS. Lê Thanh Hà đã báo cáo tại hội thảo về Hệ thống cảnh báo cháy rừng ở Việt Nam. Đây là một hệ thống cảnh báo tự động các điểm nóng, điểm cháy sử dụng nguồn dữ liệu cung cấp của NASA từ dữ liệu ảnh vệ tinh MODIS, Suomi NPP về các điểm cháy và tính toán các chỉ số về nhiệt độ để dự báo các điểm nóng có thể gây cháy. Hệ thống FORIS có thể cung cấp dữ liệu điểm nóng, điểm cháy một cách tổng thể cho toàn bộ vùng lãnh thổ Việt Nam gần như theo thời gian thực từ dữ liệu ảnh vệ tinh thu được.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký biên bản hợp tác ghi nhớ MOU trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển ứng dụng hệ thống giám sát, cảnh báo ô nhiễm mỗi trường giữa Đại học Công Nghệ và Trung tâm quan trắc môi trường CEM – Tổng cục môi trường.
Tiếp theo là buổi ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm FIMO và Trung tâm quan tâm quan trắc và phân tích môi trường Hà Nội về hợp tác phát triển các công nghệ hỗ trợ việc quan trắc các dữ liệu ô nhiễm không khí.
Kết thúc buổi hội thảo, các lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về khả năng ứng dụng thực tiễn, tính khoa học, tính sáng tạo của 2 hệ thống Quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí APOM và Hệ thống cảnh báo cháy rừng FORIS. Các nhận xét mang tính xây dựng, đóng góp tích cực đã giúp ích cho 2 chủ nhiệm đề tài có các định hướng và các cải tiến hiệu quả để nâng cấp các tính năng đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ dữ liệu cho nhiều đơn vị, đối tác và người sử dụng.
TS. Bùi Quang Hưng đại diện Trung tâm FIMO gửi lời cám ơn tới các đóng góp của các nhà lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia nghiên cứu đã đến thăm buổi hội thảo. Tất cả các thành viên tham dự hội thảo đã có bức ảnh chụp kỷ niệm để ghi dấu sự hợp tác phát triển của Đại học Công Nghê, Trung tâm FIMO với nhiều đối tác trong lĩnh vực khoa học liên ngành, phát triển vì mục đích hỗ trợ các cấp quản lý, ban ngành có các chính sách, giải pháp đối với các vấn đề cấp bách như ô nhiễm không khí, cháy rừng,…đồng thời có thể mở ra thêm các hướng nghiên cứu mới khác, mở rộng phạm vi sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám của Trung tâm FIMO.
Đỗ Khắc Phong – Phạm Hữu Bằng – Nghiên cứu viên Trung tâm FIMO